Cựu chiến binh gương mẫu
Trên chót vót đỉnh Phìn Ngan sương mù có một ngôi nhà xây cấp 4 khang trang, cổng sắt rộng, sơn màu xanh, đó là nhà của ông Phàn Phù Sèo, cựu chiến binh dân tộc Dao đỏ, xã Trịnh Tường (Bát Xát).

Chúng tôi mở đầu câu chuyện với ấn tượng về ngôi nhà xây đầu tiên trên đỉnh núi Phìn Ngan. Ông Phàn Phù Sèo bảo: “Nhà này tôi xây từ năm 2005. Hồi đó, đường lên thôn Phìn Ngan còn là đường đất, tất cả sắt thép, xi-măng, gạch ngói đều phải dùng ngựa thồ, trâu kéo ngược dốc, vất vả lắm. Xây xong ngôi nhà này, tính ra mất 210 triệu đồng”. Tôi giật mình nghĩ, ở thời điểm đó, xây được nhà đã khó, lại còn xây trên đỉnh núi, kinh phí hơn 200 triệu đồng thì rất đáng khâm phục.


                                                                                            Năm 2013, gia đình Phàn Phù Sèo thu trên 6,5 tấn thóc Tám thơm.

Sinh năm 1962 tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, năm 18 tuổi, chàng thanh niên Phàn Phù Sèo xung phong đi bộ đội. Sau gần 6 năm quân ngũ, trở về địa phương, ông được bầu giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán xã Trịnh Tường, rồi trải qua các chức vụ Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phìn Ngan. Cựu chiến binh Sèo luôn “nung nấu” quyết tâm làm giàu trên mảnh đất nuôi mình khôn lớn. Ông Phàn Phù Sèo tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, chỉ trông vào mấy sào ruộng, nên không đủ ăn. Từ 5 triệu đồng vay ngân hàng, gia đình tôi đầu tư tu bổ chăm sóc nương thảo quả cũ, trồng mới được khoảng 3 ha. Năm đầu thu hoạch thảo quả ở nương cũ đã cho thu 60 triệu đồng. Ngày vợ chồng tôi mới ra ở riêng, bố mẹ chỉ cho mấy mảnh ruộng bậc thang, mỗi năm thu được khoảng 1 tấn thóc. Thấy đất trên núi Phìn Ngan bỏ hoang nhiều, tôi bàn với vợ đầu tư toàn bộ số tiền bán thảo quả để thuê người khai hoang ruộng lúa nước được 1 ha, đưa giống lúa lai năng suất cao vào thâm canh, mỗi năm thu hoạch trên 5 tấn thóc. Cách đây 6 năm, tôi mạnh dạn chuyển từ cấy lúa lai sang cấy giống lúa Tám thơm, gần đây lại chuyển từ cấy lúa 1 vụ sang cấy 2 vụ trên ruộng bậc thang. Kết quả là năm 2013, gia đình tôi thu hơn 6,5 tấn thóc. Ngoài ra, mỗi năm tôi còn thu 5 tấn ngô, 3 tấn sắn để chăn nuôi gia súc. Bây giờ, gia đình có 6 con trâu, 25 con lợn, gần 100 con gà...”. Có tiền, ông Sèo đầu tư mua máy xát thóc, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy cày. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông Sèo còn nấu bán ra thị trường gần 300 lít rượu thóc. Tổng thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nấu rượu, mỗi năm của gia đình cựu chiến binh Phàn Phù Sèo đạt trên 150 triệu đồng.

Trò chuyện với cựu chiến binh Phàn Phù Sèo, điều tôi thực sự ấn tượng không phải cách ông làm giàu, mà chính là cách ông sống với dân bản trên đỉnh núi này. Thôn Phìn Ngan có hơn 60 hộ dân tộc Dao đỏ, những năm gần đây, cuộc sống của bà con đã khá hơn, số hộ nghèo giảm đáng kể, nhưng trước đây thì hoàn toàn khác. Gặp gỡ những người dân trên đỉnh núi, tôi thấy ai cũng dành cho ông tình cảm yêu mến đặc biệt.

Anh Chảo Vần Phiếu, một nông dân trên đỉnh Phìn Ngan không giấu được xúc động và lòng biết ơn khi nhắc đến ân nhân đã giúp đỡ gia đình mình. Nhà anh Phiếu có ít ruộng, lại không có trâu cày, nên phải chạy ăn từng bữa. Hơn 3 năm qua, gia đình anh đã thoát nghèo nhờ ông Sèo cho mượn ruộng để cấy lúa và mượn trâu để cày mà không lấy tiền. “Tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn bác Sèo nhiều lắm!”- anh Phiếu chia sẻ. Ngoài gia đình anh Phiếu, nhiều hộ nghèo khác cũng nhận được sự giúp đỡ vô tư của cựu chiến binh Phàn Phù Sèo. Mấy năm qua, ông Sèo đã cho các hộ: Tẩn Chin Nhàn, Phàn Sìn Ngan, Tẩn Din Heng, Tẩn Diu Phù, Chảo Phù Chu, Tẩn Chin Hiển vay tổng số hơn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế mà không lấy lãi. Ông Sèo còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho bà con trong thôn.

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Sèo còn hiến 50 m2 ruộng lúa nước, ủng hộ gần 5 triệu đồng và tham gia trên 80 ngày công cùng bà con đổ bê tông tuyến đường liên thôn. Tuyến đường hoàn thành, Phìn Ngan vui như ngày hội. Từ nay, đỉnh Phìn Ngan không còn hiu hắt như “ốc đảo” nữa, mà có một huyết mạch nối với các thôn, bản vùng thấp. Chợ phiên Trịnh Tường sẽ đông vui hơn, ngay cả ngày mưa cũng sẽ đầy ắp nông sản từ bản người Dao đỏ mang xuống.

Trời chiều chạng vạng, tôi chia tay cựu chiến binh Phàn Phù Sèo xuôi dốc trở về thành phố. Những gì “mắt thấy, tai nghe” trong chuyến đi này để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về ý chí, nghị lực và lòng tốt của một cựu chiến binh. Nhất định, một ngày không xa, tôi sẽ trở lại uống rượu thóc men lá với ông như lời hẹn, vì chẳng thể nào quên ngôi nhà mái bằng có cổng màu xanh trên đỉnh Phìn Ngan. 



Tuấn Ngọc
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập