Cựu chiến binh giỏi làm kinh tế, nhiệt tình với công tác xã hội
Đó là ông Đoàn Xuân Điệu, 55 tuổi ở tổ dân phố Phú Long 1, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng). Năm 1978, ông nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 2, sau đó tiếp tục chuyển sang Trung đoàn 254, rồi Trung đoàn 819 (đều thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn). Ông từng tham gia nhiều trận đánh bảo vệ quê hương. Năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương.

                                                                                                                                                     Ông Điệu bên vườn ớt mới trồng.

 

Khi mới bắt tay vào phát triển kinh tế, ông cùng gia đình chủ yếu tập trung cấy lúa và trồng hoa màu. Mặc dù cuộc sống của gia đình ông không quá khó khăn, nhưng cấy lúa cũng chỉ giúp đủ ăn chứ khó làm giàu được. Năm 1997, ông quyết định chuyển hơn 1 mẫu đất của gia đình sang trồng rau. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, ông Điệu gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, xử lý đất và sâu bệnh trên cây trồng, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, giá không ổn định, khiến ông có lúc nản chí. Nhưng phẩm chất của người lính “Cụ Hồ” đã giúp ông Điệu đứng vững, kiên trì theo con đường đã chọn. Ông mày mò các kỹ thuật trồng rau màu, xử lý đất, xử lý sâu bệnh. Ông tận dụng quỹ đất gia đình để quay vòng hợp lý sao cho hiệu quả nhất. Ông còn dành nhiều công sức tìm hiểu nhu cầu thị trường để gieo trồng những loại rau, màu phù hợp. Sau nhiều năm thực hiện chuyển đổi, ông đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm quý. Với hơn 1 mẫu đất, ông thâm canh các loại: Cà pháo, su hào, dưa chuột, bắp cải, hành, rau mùi… Đến nay, với 7 sào cà pháo (thu từ tháng 2 đến tháng 10) mỗi ngày thu được 1,5 tạ quả và bán với giá trung bình 7.000 đồng/kg; 1 sào dưa chuột (trồng từ tháng 10 đến tháng 12) thu được 4 tấn quả, bán với giá trung bình 5.000 đồng/kg; 5 sào su hào (trồng từ tháng 10 đến tháng 12) và các loại rau, màu khác như cải bắp, rau mùi, hành… giúp ông thu về hàng chục triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi 150 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Điệu cho rằng đất có vai trò hết sức quan trọng. “Hiểu được đất thì mình mới trồng cây được” - ông tâm sự. Để đảm bảo cho đất luôn màu mỡ, ông thường xuyên cày ải, xới đất, sử dụng phân chuồng đã ủ kết hợp với phân lân để cải tạo đất. Ông thường xuyên theo dõi đất, nếu có hiện tượng chua, ông sử dụng vôi để xử lý ngay. Ngoài ra, ông còn đầu tư hệ thống tưới tiêu, bảo đảm chủ động nguồn nước ra vào hợp lý, tránh ngập úng; lựa chọn những cây giống phù hợp với đất và tùy vào đặc điểm thời tiết để lựa chọn cây giống sao cho phù hợp; thường xuyên chăm sóc cây trồng, xử lý kỹ thuật, xử lý sâu bệnh hại ngay khi phát hiện để tránh lan tràn ra. “Su hào lúc gieo phải che đậy, tạo độ vóng để cây cao lên, không cho củ chạm đất. Tích trữ tro trộn phân chuồng rải trên mặt luống để cây su hào sau này phát triển có độ trắng, bóng đẹp, không bị nứt” - ông Điệu chia sẻ:

Ông Đoàn Xuân Điệu hiện là Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh Tổ dân phố Phú Long 1, Tổ trưởng Tổ HĐND số 1 thị trấn Phố Lu. Ở cương vị nào, ông cũng luôn luôn sâu sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong tổ; tích cực vận động hội viên quan tâm, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên khó khăn bằng vật chất hoặc ngày công lao động. Với những đóng góp tích cực của ông, Chi bộ Phú Long 1 luôn đạt “Trong sạch, vững mạnh”; Tổ HĐND, Hội Cựu chiến binh của tổ cũng luôn được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân ông Điệu thường xuyên được nhiều ngành, nhiều cấp khen thưởng, tiêu biểu nhất là năm 2012, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.

Hữu Huỳnh/LCĐT
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập