Hội viên Cựu chiến binh làm giàu từ kinh tế rừng

Nhằm phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững và đạt được hiệu quả cao, gia đình hội viên CCB Trần Văn Đảo, thôn Tân Quang, xã Trịnh Tường đã tập trung vào việc trồng rừng và tham gia các mô hình trồng rừng thí điểm. Hiện nay, mô hình của gia đình anh đang phát huy hiệu quả và được nhiều người dân trong xã đến tham quan học tập làm theo.

 Cựu chiến binh Trần Văn Đảo chăm sóc vườn rừng gia đình

Năm 1993, từ vùng đất chiêm trũng Nam Định, anh Trần Văn Đảo khăn gói lên vùng đất biên giới thuộc xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát để lập nghiệp xây dựng quê hương mới. Với diện tích đất khai phá gần 40 ha, anh rất trăn trở trong việc sẽ bắt đầu từ đâu, khởi nghiệp bằng cách nào,  trồng cây gì, nuôi con gì để có thu nhập phát triển kinh tế gia đình.

Sau khi được đi tham quan học tập ở một số địa phương khác, anh Đảo đã xác định hướng đi của gia đình là phát triển về kinh tế nông - lâm kết hợp. Nhưng thời điểm đó gia đình anh đang thiếu vốn, thậm chí thiếu ăn và kinh nghiệm trồng rừng chưa có, trong khi chu kỳ thu hoạch các sản phẩm từ rừng lại dài, ít nhất từ 5 đến 7 năm; hơn nữa,  tại địa phương chưa có ai làm nên rất ít người ủng hộ. 

Bằng sự quyết tâm, chịu khó học hỏi, vượt qua các định kiến, cùng với sự giúp đỡ của Hội CCB xã Trịnh Tường, anh đã vay 100 triệu đồng của Ngân hàng nông nghiệp huyện và 50 triệu đồng của NHCSXH huyện để thực hiện kế hoạch của mình. Từ đó, anh tự quy hoạch, đào ao thả cá với diện tích mặt nước gần 800m2 để nuôi cá thương phẩm, làm ruộng nước, trồng chuối và cây hoa màu; kết quả những năm đầu mỗi năm đã cho gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng. Đến năm 2005, gia đình anh đã trồng được hơn 30 ha rừng với các loài cây là Mỡ, Quế, Bồ Đề. Qua học hỏi, anh nhận thức được vấn đề quan trọng là khâu chọn giống và chăm sóc cây sau khi trồng. Bởi thế, anh đã sử dụng giống cây có nguồn gốc rõ ràng và việc trồng rừng được anh thực hiện rất đúng quy trình, kỹ thuật. Năm 2008 gia đình đã khai thác, thu lợi từ trồng rừng ước khoảng hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài việc tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, gia đình anh đã được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho thực hiện mô hình thí nghiệm trồng rừng thâm canh cây Xoan đào thuần loài, Xoan đào hỗn loài theo hàng với Sồi phảng, Xoan đào hỗn loài theo hàng với Keo tai tượng, trồng làm giàu rừng theo rạch với tổng diện tích hơn 5 ha. Qua khảo sát, đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển của cây rất tốt. Kiên trì tập trung phát triển kinh tế từ trồng rừng sản xuất đã giúp gia đình anh Trần Văn Đảo có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho các con học hành.

Hội viên Trần Văn Đảo chia sẻ: “Sau hơn 20 năm thực hiện mô hình, tôi thấy hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại rất cao, giúp gia đình tôi có được cuộc sống ổn định hơn. Với việc trồng thử nghiệm thành công mô hình cây Xoan đào, trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng, hy vọng sẽ cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác”.

Anh Phạm Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: “.. Mô hình kinh tế rừng của gia đình anh Trần Văn Đảo là một trong những mô hình tiêu biểu về kinh tế rừng; hiệu quả kinh tế từ rừng đã mang lại cho gia đình là rất cao. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng các mô hình giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”./.

Tin bài: Tống Văn Doãn-Hội CCB huyện Bát Xát
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập