Người gác chắn
Ông Chiêu “gác chắn”

Đó là tên gọi thân mật của người dân trong vùng và đồng đội dành cho cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Minh Chiêu ở bản Liên Hà 5, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.

         Bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng hằng ngày, ông Chiêu vẫn luôn có mặt đúng giờ lúc các chuyến tàu từ Hà Nội lên, từ Lào Cai xuống qua điểm gác chắn để hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Thực hiện Cuộc vận động “Cựu chiến binh tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động, Hội Cựu chiến binh xã Bảo Hà đã chọn lựa 4 hội viên, trong đó có ông Nguyễn Minh Chiêu, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Bảo Hà tham gia cấp tốc đợt tập huấn và nhận nhiệm vụ.

         Ga Bảo Hà thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hằng ngày có hàng chục chuyến tàu lưu thông qua. Cung đường sắt dài gần 10 cây số chạy qua 7 cụm dân cư từ km 231 đến km 240, có tới gần 40 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt không có người gác, rào chắn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Duy có đường ngang do ngành đường sắt quản lý gác chắn đúng quy chuẩn và có 2 đường ngang lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá đông thuộc cụm dân cư bản Liên Hà 5 và Liên Hà 7. Vì vậy, ngành đường sắt đã tăng cường phối hợp với địa phương đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu và người qua lại trên các trục đường.

        Cách đây vài năm, trên địa bàn từng xảy ra 2 vụ tai nạn gây thương tật suốt đời cho 2 người điều khiển phương tiện giao thông đi qua đường ngang do bất cẩn đã bị tàu cán, để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân nơi đây. Đó cũng là nỗi trăn trở của các cựu chiến binh và họ luôn tận tụy với công việc, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, làm với tinh thần trách nhiệm, không hề đòi hỏi thù lao. Nhận nhiệm vụ, ông Chiêu cùng 3 đồng đội chọn biện pháp phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của hội viên và người dân; xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, nhất là với thanh, thiếu niên, học sinh. Những nơi không có gác chắn, nhóm 4 người phối hợp với ngành chức năng cắm biển báo hiệu, thường xuyên nhắc nhở người tham gia giao thông. Đều đặn vào một giờ nhất định hằng ngày, ông Chiêu trực tiếp gặp trực ban ga nắm lịch chạy tàu và tính toán giờ tàu chạy qua vị trí chốt trực đảm bảo giao thông tại 2 khu vực trọng yếu.

      Vốn là lính “xế” suốt những năm chống Mỹ ghì chắc tay lái vượt trọng điểm đưa hàng ra tiền tuyến trên tinh thần “gan vàng, dạ ngọc”, giờ tiếp tục phát huy “bản lĩnh chiến sỹ Trường Sơn”, ông Nguyễn Minh Chiêu rất nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Ông tâm sự: Thời gian đầu, nhiều người tham gia giao thông qua đây khi tàu sắp đến, thấy tôi ra tín hiệu dừng xe nhưng do sốt ruột chờ đợi nên họ nổi nóng, không chấp hành, cho rằng tôi nhiễu sự. Vợ con cũng can ngăn không muốn cho tham gia, sợ vất vả thậm chí nguy hiểm nếu chẳng may va chạm với đối tượng tham gia giao thông hung hãn. Tôi phải giải thích rằng tất cả chúng ta cần chung tay vì sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông, dần dà mọi người cũng hiểu, thông cảm và tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

        Hình ảnh ông Chiêu “gác chắn” cùng đồng đội trong bộ quân phục màu xanh thân thương cầm cờ báo tín hiệu an toàn cho những chuyến tàu ngược xuôi qua địa bàn khiến người dân quanh vùng cảm thấy bình an và càng thêm tin yêu hơn những cựu chiến binh tô đẹp thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập