Quyết tâm nâng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2024
Đó là chỉ đạo của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh khi chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2023 vào chiều 19/12.

Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh…

a0-1-4332.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh xác định 75 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó 50 nhiệm vụ đã hoàn thành, 19 nhiệm vụ đang thực hiện, 6 nhiệm vụ chưa thực hiện. Xếp hạng ICT Index năm 2022 (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông) tỉnh Lào Cai đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2020 (năm 2021 không đánh giá).

a-dung-4938.jpg
Đồng chí Vũ Hùng Dũng (trái ảnh), Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tỉnh đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện có kết quả 17/24 nhiệm vụ; thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với Tập đoàn Viettel 20 nhiệm vụ trọng tâm để phối hợp thực hiện trong 2 năm tiếp theo. Triển khai 2 lớp đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ nòng cốt Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 66 người tham gia; tổ chức 17 lớp đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho 825 cán bộ, công chức, viên chức tại các huyện, thị xã, thành phố. Mở 4 lớp đào tạo kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị tỉnh với 124 học viên tham gia. Cổng chuyển đổi số của tỉnh hoạt động từ tháng 10/2022, đến nay đã có 490 nghìn lượt truy cập…

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Có 1.548/1.562 (tương đương 99%) trung tâm các thôn, tổ dân phố được phủ sóng di động 3G, 4G. Duy trì khai thác sử dụng, triển khai tích hợp 18 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Hoàn thành tích hợp, kết nối kho dữ liệu giấy tờ cá nhân dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính… Đặc biệt, hệ thống dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.655/1.655 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 100%), là 1 trong 17 tỉnh, thành phố đứng đầu có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 50% trở lên.

 
a4-141.jpg
a7-1257.jpg
a3-9664.jpg
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Trong thương mại điện tử, đã đưa 163/163 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử. Hệ thống ngân hàng trong tỉnh đã mở hơn 450 nghìn tài khoản thanh toán cho người dân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 vẫn có những tồn tại, hạn chế như: Các nền tảng, phần mềm dùng chung phục vụ cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp đã lạc hậu hoặc còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dùng; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với chi phí khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và nộp, thanh toán học phí, các khoản thu trong các trường học còn thấp so với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Tình trạng mất an toàn thông tin cho cá nhân ngày một gia tăng; tội phạm, vi phạm phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng tinh vi, hậu quả nghiêm trọng…

Nguyên nhân của hạn chế được xác định là do nhân lực số còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, cấp xã; thiếu các chuyên gia về công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin; nhân lực kỹ năng số trong hệ thống chính trị và trong xã hội còn hạn chế; người dân chưa được tiếp cận và đào tạo các kỹ năng số cơ bản; chưa có giải pháp hữu hiệu đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dân trên môi trường mạng…

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, đào tạo, tập huấn sử dụng các nền tảng số cơ bản dành cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ chức thực hiện mỗi hộ gia đình có một thiết bị thông minh. Phát triển kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp…

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra một số giải pháp, kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào việc thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng chữ ký số; chia sẻ dữ liệu số; số hóa các điểm di tích lịch sử, văn hóa; công tác tuyên truyền về chuyển đổi số…

anh-truong-420-9088.jpg
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cho rằng: Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tác động mạnh tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vì thế, trong quá trình chuyển đổi số cần thận trọng, ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống và mang lại hiệu quả cao. Cần lựa chọn các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh để thực hiện chuyển đổi số như cửa khẩu số, y tế số.

anh-cuong-3057.jpg
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh: Việc chuyển đổi số cần được thực hiện đồng bộ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, trong đó tăng cường hơn nữa tại các cơ quan khối Đảng. Năm 2024 cần lựa chọn lĩnh vực đột phá trong chuyển đối số, tập trung vào xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tiên phong trong chuyển đổi số. Đặc biệt, phải thường xuyên có các cuộc họp bàn, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo trong lĩnh vực chuyển đổi số.

a0-2-5642.jpg
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
 

Kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh biểu dương và ghi nhận kết quả về chuyển đổi số của tỉnh đạt được trong thời gian quan.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số. Lấy tiêu chí chuyển đổi số để đánh giá xếp loại các cơ quan, đơn vị. Gắn chuyển đổi số với nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy và những yêu cầu thực tế của Trung ương chỉ đạo. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trong lĩnh vực chuyển đổi số. Có các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời trong lĩnh vực chuyển đổi số. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số. Nghiên cứu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tập trung triển khai xây dựng đô thị thông minh, cửa khẩu thông minh, quyết tâm nâng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai trong năm 2024.

Theo nguồn: Báo Lào Cai điện tử

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập