Bước chuyển của xã thí điểm Nông thôn mới thông minh
Năm 2023, xã Gia Phú (Bảo Thắng) được lựa chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh đầu tiên của tỉnh. Sau hơn nửa năm triển khai, chuyển đổi số đã có những tác động mạnh mẽ, thay đổi từ công tác quản lý đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
p 1.jpg

Vào buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, nhà văn hóa thôn Đông Căm luôn sáng đèn, người dân đến đây để giải quyết thủ tục hành chính. Thông thường, để giải quyết thủ tục hành chính, công dân đến UBND xã hoặc các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, nhưng nay tại thôn Đông Căm, tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch; đăng ký lưu trú; chứng thực bản sao để có thể thực hiện ngay tại nhà. Người dân được hướng dẫn quy trình 5 bước, từ khởi tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công đến các bước kê khai thông tin, nộp trực tuyến hồ sơ và thanh toán điện tử.

GP 1.jpg

Do công việc kinh doanh bận rộn vào ban ngày, tranh thủ buổi tối, chị Hoàng Lan đến nhà văn hóa thôn làm thủ tục khai sinh cho cháu nội. Theo chị Lan, ban đầu chị bỡ ngỡ khi thao tác thủ tục trên mạng, dần dần, nhờ hướng dẫn của tổ công nghệ số, chị đã tự thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến mà không cần mang giấy chứng sinh tới trụ sở UBND xã để đăng ký khai sinh. “Việc nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính giúp tôi tiết kiệm công sức, chi phí đi lại và chủ động được thời gian” - chị Lan nói.

 

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Đông Căm cho biết: Nhiều người đến đây không chỉ giải quyết hồ sơ, thủ tục, mà còn học quy trình thực hiện để về hướng dẫn cho người thân trong gia đình. Ban đầu, bà con đều nghĩ khó học nhưng giờ đây, ai cũng thành thạo các thao tác và thấy rất thuận tiện, đặc biệt còn thực hiện được cả trên thiết bị di động.

 

Thôn Đông Căm được lựa chọn là mô hình điểm “Thôn thông minh” đầu tiên của xã Gia Phú. Thời gian qua, thôn đã được đầu tư hạ tầng số, gồm 3 thiết bị phát wifi miễn phí, camera giám sát đa chiều, máy tính để bàn. Đặc biệt, Đông Căm là thôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh có hệ thống thiết bị phục vụ họp trực tuyến, các cuộc họp, hội nghị trực tuyến từ trung ương đến địa phương được thông tin rộng rãi hơn.

GP 2.jpg

Sau hơn nửa năm triển khai thí điểm “Thôn thông minh”, chuyển đổi số đã từng bước đi vào đời sống của mỗi hộ trong thôn. Đến nay, 100% hộ kinh doanh và trên 95% hộ đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; trên 30% người dân đã hoàn thành đăng ký chứng thực điện tử, số hóa dữ liệu, tài liệu cá nhân. Đông Căm cũng đang từng bước số hóa địa chỉ các hộ và gia tăng tỷ lệ người dân thực hiện hồ sơ trực tuyến.

p 2.jpg

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Gia Phú giờ đây không còn cảnh công dân xếp hàng chờ nộp hồ sơ như trước, bởi hơn 40% người dân đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến, được tạo lập tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia qua tài khoản định danh mức độ 2. Nhiều công dân khi đến đây không phải để thực hiện giao dịch hành chính, mà chỉ muốn hỏi rõ hơn về một số khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ thủ tục trên không gian mạng.

GP 4.jpg
 

Hiện nay, tại xã Gia Phú, 100% giao dịch trên cổng dịch vụ hành chính công được xác thực điện tử và 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình; 60% hồ sơ giải quyết dịch vụ công được thực hiện thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các hồ sơ thủ tục hành chính có yêu cầu thu phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính. Năm 2023, qua khảo sát, điều tra xã hội học, 100% người dân hài lòng với kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

GP 3.jpg

Gia Phú được lựa chọn là địa phương thí điểm xây dựng “Xã nông thôn mới thông minh”. Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025. UBND xã cụ thể hóa bằng việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số và cải thiện chỉ số DTI cấp xã.

Trong 3 trụ cột chuyển đổi số, giai đoạn này, xã Gia Phú xác định tập trung vào thực hiện chính quyền số. Đến nay, 100% cán bộ, công chức được cấp và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ (mail.laocai.gov.vn) trong hoạt động công vụ, nghiệp vụ và đăng nhập hệ thống xác thực tập trung (SSO) của tỉnh. Tỷ lệ văn bản của UBND xã Gia Phú gửi các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử được ký số chuyên dùng trực tiếp bởi lãnh đạo xã (trừ các văn bản mật) đạt 95%. Một “chính quyền số” đang dần hình thành và ngày càng thể hiện rõ nét vai trò trong thời kỳ mới.

GP 5.jpg

Ông Lưu Hoàng Điểu, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú cho biết: “Nông thôn mới thông minh” đang hiện hữu, từng bước thay đổi quan niệm, nhận thức “khó tiếp cận” của người dân đối với chuyển đổi số, góp phần đưa cuộc sống số ngày càng đi sâu vào đời sống. Sau hơn nửa năm triển khai mô hình thí điểm, chính quyền số trên địa bàn xã đã có nhiều bứt phá, góp phần xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện, minh bạch.

 
 

“Thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện nhằm hoàn thành thắng lợi 31 mục tiêu đã đề ra đến năm 2025, đồng thời công tác thông tin, tuyên truyền sẽ được xã thực hiện kịp thời hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân” - ông Điểu nhận định.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập