100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai

Tính đến hết tháng 6/2023, 100% sản phẩm OCOP đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (laocaitrade.vn); 100% các chủ thể đã có tài khoản thanh toán điện tử; 156/163 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử khác (đạt 96%).

anh tin bai

Sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai

 

Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động chuyển đối số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đặc biệt, năm 2023, Gia Phú (Bảo Thắng) là xã đầu tiên được tỉnh chọn thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã; giúp người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh từ xa…

Các hoạt động phát triển thương mại điện tử, đặc biệt phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh với 128 gian hàng được tạo lập trên sàn thương mại điện tử. Đây là một hướng đi mới của Lào Cai nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, mở rộng liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Lào Cai. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã dần ứng dụng đưa sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử; nhiều người dân đã xây dựng kênh bán hàng riêng trên nền tảng mạng xã hội, thực hiện livestream để bán các sản phẩm nông sản.

 

anh tin bai

Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn phổ cập kỹ năng số cho người dân

 

Việc triển khai và phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bắc Hà và thành phố Lào Cai triển khai các chương trình phổ cập kỹ năng số cho người dân như hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, VNeID, phản ánh hiện trường; sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử; giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt (VNPT Money, Viettel Money, Mobil Pay), mua - bán trên sàn thương mại điện tử (Postmart, Voso, Sendo, Shopee);…

Đến nay, đã có 4729/7363 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được đào tạo, tập huấn kỹ năng số, hơn 22.300 người dân được tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số. Người dân Lào Cai đã hình thành thói quen mua hàng trực tuyến, giao dịch thương mại điện tử. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các loại hình dịch vụ như tiền điện, tiền nước, tiền học phí, dịch vụ bưu chính viễn thông, tiền hàng hóa thiết yếu đang được người dân sử dụng, trong đó thói quen chủ yếu là thanh toán qua thẻ ngân hàng, smartbanking, ví điện tử, Viettel pay, VNPT pay,..

Để triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử; dự báo tình hình, thị trường nông sản; phục vụ công tác vận hành, điều hành sản xuất, kinh doanh, kêu gọi thu hút đầu tư; phát triển mô hình Chợ nông sản 4.0, Sàn giao dịch thương mại điện tử, Sàn giao dịch sản phẩm OCOP. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, từ đó hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Theo Báo Lào Cai điện tử

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập