Trong tổng số
7,9 vạn người của huyện Bát Xát thì tỷ lệ người dân tộc Hà Nhì chiếm 5,9%, chủ
yếu sống tại các xã Y Tý, A Lù, Nậm Pung và Trịnh Tường.
Người Hà Nhì Bát Xát không chỉ có nét văn hoá độc đáo qua các lễ
Hội “Khô già già”, “Tết thiếu nhi” hay kiến trúc riêng trong ngôi nhà trình
tường, mà tục đám cưới của người Hà Nhì cũng có nét văn hoá rất riêng.
Làm lễ cưới của người Hà nhì
Khi con trai và con gái đủ tuổi kết hôn họ tự tìm hiểu nhau, các
đêm tối họ thường gọi nhau đi hát giao duyên, người nào không biết hát thì tìm
hiểu và tâm sự, đến khi xác định là bạn đời của nhau họ quyết định xây dựng
hạnh phúc trăm năm.
Người Hà Nhì không có tục ăn hỏi trước khi cưới, khi 2 người lựa
chọn được ngày lành tháng đẹp. Trong ngày cưới của nhà trai, nhà trai tiến hành
làm cỗ sẵn, chú rể đi cùng một bạn trai đến đón cô dâu, đứng đợi ngoài cổng,
đúng giờ hẹn nhà gái cho cô dâu ra cổng để gặp chú rể (có một số bạn gái của cô
dâu đưa tiễn một đoạn đường). Khi cô dâu cùng chú rể và bạn trai về
nhà, nhà trai có một người phụ nữ lớn tuổi cầm gáo nước đứng đợi sẵn tại cổng
và làm lý rửa tay cho cả 3 người trước khia vào nhà. Khi cô dâu vào buồng cưới,
nhà trai mổ sẵn một con gà trống làm lễ cúng để báo với tổ tiên đã đón được cô
dâu về, sau đó cô dâu và chủ rể đứng trước bàn thờ xin phép tổ tiên (2 chiếc
đùi gà khi cúng xong đưa cho cô dâu chú rể cầm làm lý nhưng không ăn, sau đó
giành cho những người dưới tuổi cô dâu và chủ rể được ăn).
Khi làm lễ xong chú rể cùng người bạn trai đi mời từng nhà và anh
em bạn bè thân thích đến ăn cưới (trong đó không được mời người
trong dòng họ của cô dâu), 3 ngày sau cưới cô dâu, chú rể mới được động phòng.
Về làm dâu cho đến khi nào gia đình nhà trai khá giả và nhà gái
cũng đủ điều kiện về kinh tế (có thể 1 tháng hoặc 3 năm tuỳ điều kiện), lúc đó
mới tổ chức cho cô dâu về thăm bố mẹ đẻ. Trước khi tổ chức buổi gặp, bố mẹ
chồng sẽ đến gặp bố mẹ đẻ để thống nhất ngày về gặp và các lễ vật mang theo. Lễ
vật nhà trai đem đến nhà gái trong ngày cô dâu về gặp bố mẹ đẻ thường từ 50 đến
60 lít rượu, 50 kg thịt lợn, một vài đồng bạc trắng và 100-200.000đ tiền giấy
để làm lý. Đặc biệt nhà gái có bao nhiêu hộ trong anh em dòng họ thì nhà trai
đem đến bấy nhiêu đôi sôi (Mỗi đôi sôi kèm theo một quả trứng luộc bên trong
gói sôi). Đôi sôi này làm quà cho mỗi gia đình khi ăn cưới xong.
Khi đưa cô dâu về thăm bố mẹ, nhà trai chọn 2 người trong thôn
không phải là anh em nhà gái mang theo lễ vật và đưa 2 vợ chồng về. Về đến nhà,
em hoặc anh trai của cô dâu cùng người do nhà trai cử đến sẽ đi từng nhà trong
thôn và dòng họ nhà gái mời đến ăn cơm (không mời anh em dòng họ nhà
trai). Nhà gái chuẩn bị sẵn một hũ rượu nếp (Thường gọi là bia Hà Nhì để
uống trong ngày gặp mặt). Thịt của nhà trai đem đến đưa nhà gái chế biến
các món, sau khi làm lý cân đồng tiền bạc lên, thì rượu và thịt của nhà trai
mới được đưa lên mâm. Mâm cỗ cưới ăn cũng rất đơn giản không cầu kỳ nhưng không
thể thiếu 3 món ăn: Thịt gà, thịt lợn và óc đậu.
Trong khi ăn cơm chú rể sẽ đến từng mâm cúi chào anh em dòng họ
nhà gái để nhận lời chúc phúc của dòng họ cho 2 vợ chồng trẻ.
Việc đến ăn cưới tại nhà trai và ăn gặp mặt tại nhà gái mọi người
đến ăn đúng nghĩa với đi ăn cưới, mà không phải tặng tiền hay vật phẩm. Đám cưới
là dịp để nhà anh em trong dòng họ có dịp gặp gỡ, chúc tụng và mừng cho nhau vì
vậy mọi người đều vui hết mình.
Đám cưới của người Hà Nhì có nét văn hoá đặc trưng riêng: Đó là cả
2 bên gia đình khi tổ chức ăn cưới phải có đủ điều kiện về kinh tế (dù to hay
nhỏ), không vay mượn. Vì vậy khi cưới xong vợ chồng trẻ chỉ tập trung làm ăn và
sinh con mà không phải trả bất cứ khoản nợ nào do đám cưới. Người Hà Nhì không
có chuyện bố mẹ gả bán hoặc ép duyên con, bởi thế người Hà Nhì rất ít ly hôn.
Trải qua nhiều đời nay nhưng người Hà Nhì vẫn lưu giữ nét văn hoá
rất riêng của dân tộc mình về tục cưới.