Hội viên CCB Văn Bàn truyền nhau kinh nghiệm thoát nghèo

LCĐT - Họ không chỉ đoàn kết, sát cánh bên nhau trên chiến trường, trong các đơn vị quân đội, khi trở về cuộc sống đời thường các hội viên cựu chiến binh (CCB) huyện Văn Bàn tiếp tục giữ vững tinh thần tương thân, tương ái, gắn bó nghĩa tình đồng đội trong trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Sau ba năm nhập ngũ, đóng quân tại huyện Bát Xát, năm 1985, anh Vi Văn Thái, thôn Vinh, xã Võ Lao trở về quê hương với khát vọng cháy bỏng là tìm hướng phát triển kinh hiệu quả để thoát cảnh nghèo, vươn lên làm giàu.

Ban đầu anh Thái phát triển kinh tế tổng hợp gồm làm vườn, ao cá, chăn nuôi, sau nhận thấy lâm nghiệp mới là thế mạnh nên năm 2010 anh Thái nhận trông coi, bảo vệ 10 ha rừng thuộc Dự án 661 và đăng ký trồng 7 ha rừng với chủ lực bồ đề và một số cây phân tán. Sau mấy năm đầu kiến thiết, hội viên CCB Vi Văn Thái liên tục có nguồn thu từ khai thác rừng trồng, trung bình mỗi năm thu nhập từ rừng của gia đình anh ổn định ở mức 80 đến 100 triệu đồng/năm.

Câu chuyển làm kinh tế của gia đình anh Vi Văn Thái thực sự khởi sắc khi năm 2017 anh đi tham quan mô hình trồng gấc của một hội viên CCB tại xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn trước khi triển khai mô hình này tại xã Võ Lao.

Sẵn có quỹ đất, lại kết nối thành công với Công ty xuất khẩu nông sản Moocos có trụ sở tại thành phố Hải Phòng, doanh nghiệp nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá mua 7 nghìn đồng/kg nên ngay từ ban đầu anh Thái đã mạnh dạn phát triển cây gấc trên quy mô 2 ha.

Từ năm 2018 đến nay, nguồn thu nhập từ trồng gấc của gia đình CCB Vi Văn Thái khoảng 250 đến 280 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng cho hơn 20 lao động tại địa phương. Có kinh nghiệm làm ăn và điều kiện kinh tế khá giả, anh Vi Văn Thái mở lòng giúp đỡ 16 hộ gia đình, trong đó phần lớn là các hội viên CCB có điều kiện sản xuất tốt hơn và hỗ trợ 10 hộ nghèo về cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất. Tâm sự về việc làm này, anh Vi Văn Thái nói: “Bộ đội hay CCB luôn có một tình cảm gắn bó, yêu thương nhau hết sức đặc biệt, khi biết ai đó là hội viên thì anh em luôn sẵn sàng giang tay hỗ trợ bằng cả tấm lòng”.

Trò chuyện với phóng viên, Chủ tịch Hội CCB huyện Văn Bàn, ông Cao Xuân Thủy cho biết, ngoài anh Vi Văn Thái, danh sách hội viên CCB thành công trong phát triển kinh tế, làm giàu từ sản xuất, kinh doanh và giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên khác về nguồn lực, kinh nghiệm ngày càng dài hơn.

Đó là các tấm gương như hội viên CCB Hà Xuân Va, xã Hòa Mạc; CCB Nguyễn Văn Bùi, xã Khánh Yên Hạ với mô hình sản xuất gạch không nung, tạo việc làm cho nhiều lao động là hội viên hoặc con em CCB; hội viên CCB La văn Thế, xã Chiềng Ken với mô hình “trồng rừng, bảo vệ rừng, tinh chế dược liệu” giúp đỡ nhiều hội viên CCB khác về vật chất; CCB Lý Phủ Sinh, xã Liêm Phú với mô hình trồng rừng, bảo vệ rừng và làm dịch vụ tắm lá thuốc, tạo nhiều việc làm cho hội viên CCB.

Với tổ chức, Hội CCB xã Võ Lao, Khánh Yên Trung, Hòa Mạc, Chiềng Ken có hoạt động rất đáng nêu gương là xây dựng Quỹ CCB góp vốn xoay vòng cho nhau vay phát triển kinh tế, hiện tổng nguồn quỹ của các chi hội là trên 700 triệu đồng. Đây thực sự là hành động thiết thực, hiêu quả trong hưởng ứng phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của các cấp hội CCB huyện Văn Bàn phát động trong thời gian qua.

Nhờ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế mà huyện Văn Bàn có ngày càng nhiều hơn những CCB thành công trong sản xuất, kinh doanh, từ hộ nghèo vươn lên làm giàu. Hiện có 2 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 21 mô hình kinh tế trang trại tổng hợ, 97 gia trại, 86 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ, có 1.662 hộ hội viên thuộc diện khá, giàu, chiếm 46% tổng số hộ hội viên CCB toàn huyện Văn Bàn.

Chủ tịch Hội CCB huyện Văn Bàn, ông Cao Xuân Thủy cho biết thêm, để có những thành công trong phong trào vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, kinh nghiệm tổ chức của Hội là: Chỉ đạo các hội cơ sở xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế của từng địa phương, xây dựng các mô hình phong phú nhằm khai thác tối đa nguồn lực, lợi thế của địa phương vào phát triển kinh tế.

Hội CCB huyện Văn Bàn cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, các cấp chính quyền trong vấn đề quan tâm tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất cho hội viên CCB. Bên cạnh đó là tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các hội viên CCB được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách huyện, có cơ hội tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu, giống, cây trồng và tìm kiếm, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

“Điều quan trọng hơn cả là sự khích lệ, động viên, cổ vũ để các hội viên CCB trên địa bàn tiếp tục tinh thần tiên phong, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế đúng với truyền thống gắn bó của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, Chủ tịch CCB huyện Cao Xuân Thủy nhấn mạnh. 

Đinh Cao
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập