Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng:
Doanh nhân gương mẫu, sản xuất, kinh doanh giỏi

Một không gian kinh doanh rộng lớn với tổ hợp nhà hàng ẩm thực, khu kinh doanh dịch vụ giải trí, tổ chức sự kiện và nhà nghỉ với diện tích rộng hàng nghìn mét vuông là điều chúng tôi vô cùng ấn tượng với cơ ngơi của doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Thị Tứ, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn. Đằng sau đó là cả một quá trình ông Thắng nỗ lực đi lên từ hai bàn tay trắng.

Đến thôn Thị Tứ, chỉ cần hỏi địa chỉ Nhà hàng Như Ý thì ai cũng biết địa điểm và chủ nhà hàng. Thăm gia đình ông Thắng vào lúc chiều muộn, nhà hàng đang tất bật dọn dẹp, chuẩn bị thực đơn phục vụ khách hàng bữa tối. Trong khu chế biến ẩm thực, người người ra vào tấp nập, thực hiện các công đoạn. Tại bàn tiệc khu ẩm thực ngoài trời, thấp thoáng một người đàn ông đang cẩn thận kiểm tra thực đơn bàn ăn, sắp từng chiếc đệm ngồi sao cho ngay ngắn, đó chính là cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về ông Thắng là một người vui tính, khuôn mặt hiền hậu. Ông niềm nở chào đón và có những tâm sự về cuộc đời.

                            

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng (trái ảnh) với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1974, sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Năm 1993, khi mới 19 tuổi, ông tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau thời gian huấn luyện, ông đến nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 7, Trung đội 1, Lữ đoàn 126 (Quân khu 7), ông trở thành lính đặc công từ khi vào quân ngũ cho đến năm 1997, ông trở về địa phương và lập gia đình. Ông Thắng vẫn còn nhớ như in ngày được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, những kỷ niệm không bao giờ quên trong 4 năm trong thời gian quân ngũ. Ông say xưa kể câu chuyện đời lính, chuyện rất dài nhưng ông Thắng khẳng định đó là khoảng thời gian quý giá để ông trưởng thành hơn và có ảnh hưởng rất nhiều tới sự nghiệp như ngày hôm nay.

Cơ duyên đến với mảnh đất xã Võ Lao mà ông Thắng kể lại đó là vào năm 1998, lần đầu từ Nam Định lên thăm chị gái lấy chồng ở đây. Đường xá xa xôi, phương tiện vận chuyển không thuận lợi như bây giờ mà phải mất vài ngày mới đến Ga đường sắt Phố Lu (Bảo Thắng). Sau đó ông đi bộ từ đó vào đến Võ Lao. Thương chị lấy chồng nơi đất khách, ông quyết định thưa với cha mẹ xin ở lại Võ Lao sinh sống. Hai vợ chồng với đôi bàn tay trắng quần quật sớm hôm làm thuê, cuốc mướn khắp nơi. Với bản tính cần cù, chăm chỉ nên dần dần gia đình ông đã mua được đất ở, đất ruộng để có điểm tựa sinh sống, làm ăn. Sau đó, ông mạnh dạn vay vốn mở một xưởng gỗ nhỏ, nhờ thị trường thuận lợi lên cuộc sống của ông dần đi vào ổn định.

Đến năm 2010, một quyết định liều lĩnh mà ông và gia đình quyết tâm thực hiện sau nhiều lần bàn bạc đó là mở khu tổ hợp nhà hàng ẩm thực, kinh doanh giải trí. Ông vay ngân hàng 3 tỷ đồng, từ bỏ xưởng gỗ và dùng toàn bộ số tiền tích góp để dồn hết vào việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Sau khi xây xong, nhà hàng của ông thời bấy giờ lớn nhất, nhì huyện Văn Bàn với quy mô 3 tầng, không kém cạnh so với nhiều nhà hàng nổi tiếng khác trên thành phố Lào Cai. Nhiều người khuyên can ông không nên xây lớn, gọi ông là “thằng điên” vì cho rằng ở nơi nông thôn này nhu cầu bà con chưa cần thiết, nhà hàng sẽ chết yểu, không bền vững. Tuy nhiên, ông Thắng luôn kiên định, vững vàng theo đuổi con đường đã chọn. Hành trình theo đuổi ước mơ làm ông chủ kinh doanh không phải dễ dàng khi gia đình ông cũng nhiều lần lục đục, hai vợ chồng không cùng chung quan điểm, nêu chính kiến. Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải thu hút khách và trả nợ, lãi vay.

Biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tâm huyết của gia đình ông Thắng đến nay cũng đã được đền đáp. Nhà hàng Như Ý của gia đình ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách trong và ngoài huyện. Bí quyết cho sự thành công của ông Thắng đó là những món ăn đậm đà văn hóa, tin thần quê hương Văn Bàn. Ông say mê tìm hiểu văn hóa ẩm thực truyền thống người Dao, người Tày tại địa phương với các nguyên liệu như măng, cá, rau rừng, gạo nếp…và kết hợp thêm các món ăn truyền thống đồng bằng Bắc bộ đã tạo lên sự khác biệt. Ông thường xuyên học hỏi kinh nghiệm chế biến, sử dụng cách trang trí, bày món một cách đơn giản nhưng tạo cảm giác thu hút thực khách muốn thưởng thức ngay. Điều đó đã dần tạo nên thương hiệu của nhà hàng. Du khách gần xa thường tìm đến, nhất là vào dịp cuối tuần. Nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn nhà hàng để tổ chức sự kiện. Nhiều đôi bạn trẻ tìm đến nhà hàng để tổ chức tiệc cưới trăm năm hạnh phúc. Việc kinh doanh thuận lợi của nhà hàng đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động thường xuyên. Đối với chị Nguyễn Thị Đông ở thôn Là 1, xã Võ Lao, một nông dân thuần túy khi được vào làm việc tại nhà hành, làm công việc nội trợ, phụ giúp đầu bếp với thu nhập 6 triệu đồng/tháng, chị cảm thấy khá hài lòng vì phù hợp với khả năng của bản thân. Chị Đông cho biết: Khi làm việc tại đây, chủ nhà rất tốt bụng, luôn quan tâm đãi ngộ cho nhân viên, thăm hỏi ốm đau, gia đình.

            Khu nhà ẩm thực đồng quê của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng                                    

Ngoài tổ hợp kinh doanh nhà hàng, gia đình ông Thắng còn có trang trại gần 8 héc ta với mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng – rừng. Ông nhiều lần được các cấp, các ngành vinh danh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2015 – 2020. Đến nay, gia đình ông đã có cơ ngơi hàng chục tỷ đồng và hiện ông Thắng đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư mở rộng kinh doanh.

 Như câu chuyện ban đầu, những năm tháng phục vụ quân ngũ là khoảng thời gian quý báu để ông Thắng có môi trường rèn luyện kỷ cương, tôi luyện tinh thần, ý chí ngoan cường. Chính “chất lính” đặc công giúp ông luôn tạo áp lực cho bản thân, pha chút táo bạo, vững vàng để ông luôn ở tâm thế sẵn sàng đối mặt khó khăn thử thách, quyết chí làm dù phải đối mặt với thất bại. Ông Thắng tâm sự: Bản thân tôi luôn muốn thử sức mình. Tôi luôn cố gắng hết sức, không ngại khó, ngại khổ.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Thắng còn hết sức nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động. Ông cũng tích cực tham gia phong trào “Cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông đã vận động các hộ dân sinh sống trên trục đường tỉnh lộ  đoạn qua thôn lắp hệ thống chiếu sáng với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Bản thân ông đã hỗ trợ tiền giúp đỡ 24 hộ dân nghèo xã Võ Lao chỉnh trang nhà ở và giúp 2 hộ dân (mỗi hội 30 triệu) xóa nhà tạm; hỗ trợ 1 hộ dân ở xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) xây nhà với số tiền 10 triệu đồng. Với uy tín của mình, vừa qua ông còn được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh huyện Văn Bàn.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng khi trở về đời thường luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành một trong những doanh nhân gương mẫu điển hình, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo trên trận tuyến mới là phát triển kinh tế, góp sức chung tay xây dựng quê hương phát triển.        

                                                                                     Ngày 23/11/2021

                                                                                      Cao Minh Thủy                

 

 

Cao Minh Thủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập