Tinh thần vươn lên của cựu chiến binh Lý
Láo Lở
Câu
chuyện trở thành doanh nhân của cựu chiến binh Lý Láo Lở, thôn Tả Chải, xã Tả
Phìn, thị xã Sa Pa cũng thật tình cờ. Năm 2002, xuất ngũ trở về địa phương, anh
tiếp tục theo học hết chương trình THPT.Vừa học xong, còn chưa biết làm gì thì
dịp đó, có nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Dược Hà Nội lên nghiên cứu
bài thuốc tắm của người Dao tại Tả Phìn. May mắn, Lở đã gặp họ và được tư vấn
về hướng làm ăn mới. Sẵn có kiến thức về những bài thuốc tắm cổ truyền của dân
tộc mình, cùng với nhận thấy nhu cầu của nhiều du khách khi đến du lịch tại địa
phương rất khả quan, niềm khao khát xóa đói giảm nghèo đã thôi thúc cựu chiến
binh trẻ Lý Láo Lở mạnh dạn vận động các hộ trong thôn mở công ty kinh doanh
các sản phẩm tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Năm năm 2007, Công ty Cổ phần kinh
doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (gọi tắt là Sapanapro) đã ra đời với sự đồng
sáng lập của đảng viên trẻ, cựu chiến binh Lý Láo Lở, 2 nghệ nhân và 1 nhà khoa
học. Về phía anh Lở, đóng góp diện tích đất của gia đình khoảng 600 m2,
còn lại 14 hộ khác góp vốn bằng tiền mặt, công lao động, đất đai, nguyên vật
liệu xây dựng cơ sở hạ tầng của công ty.
Anh
Lở bộc bạch: Trái ngược với niềm vui những ngày đầu mới hoạt động, công việc
kinh doanh ngày càng gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, tiềm lực
kinh tế, nhất là việc quảng bá sản phẩm. Mặt khác, các sản phẩm đều bán tại
chỗ, trong khi lượng khách tiêu thụ ít nên doanh thu không đảm bảo. Liên tục
trong 3 năm đầu hoạt động kinh doanh gần như không có lãi, nhiều lúc đứng trước
nguy cơ phá sản.
Năm
2010, cựu chiến binh Lý Láo Lở cùng với các hộ dân trong công ty bàn bạc, quyết
định thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tập trung
sản xuất sản phẩm đóng chai để có thể bán cho khách hàng ở xa, kết hợp với tích
cực quảng bá sản phẩm thông qua lượng du khách đến du lịch tại xã Tả Phìn và
trên địa bàn thị xã Sa Pa. Cùng với sản phẩm tắm truyền thống trực tiếp tại địa
phương, Công ty Sapanapro trình làng thêm nhiều sản phẩm mới đóng chai là nước
tắm cho phụ nữ, nam giới và nước ngâm chân. Với quyết định đột phá trên, công
việc kinh doanh bắt đầu có những tín hiệu vui, ngay trong năm 2010, doanh thu
đã đạt gần 600 triệu đồng, tăng lên gần 1 tỷ đồng năm 2011, hơn 2 tỷ đồng 2012
và tăng dần qua các năm. Làm ăn có lãi, năm 2015, Công ty được dự án ODA của thị
xã hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất mang tính tự động hóa cao như: Dây chuyền
lò hơi chiết xuất; dây chuyền đóng gói, đóng chai... Công ty tiếp tục cho ra
mắt thêm 2 dòng sản phẩm tinh dầu xoa bóp, giảm đau và 1 dòng sản phẩm tắm cho
phụ nữ sau sinh, nâng tổ số sản phẩm lên 18 loại.
Cũng
từ đây, sản phẩm của công ty bắt đầu được thị trường biết đến nhiều hơn, hiện đã
có mặt tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kinh doanh có lãi, doanh thu liên
tục tăng từ hơn 5 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 10 tỷ đồng năm 2018, những năm gần
đây có phần giảm sút do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19. Từ 14 thành
viên (cổ đông) ban đầu, đến nay, công ty đã có 116 thành viên là các hộ dân
người Mông, người Dao trong xã Tả Phìn. Hàng năm, ngoài việc hưởng lợi từ cổ
tức, tùy theo mức độ đóng góp cổ phần (cổ đông được cao nhất khoảng 50 triệu
đồng/năm), các thành viên còn có thêm nguồn thu hàng trăm triệu từ việc trồng
và khai thác cây dược liệu ngoài tự nhiên nhập cho công ty. Ngoài ra, Công ty
Sapanapro còn tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động với thu nhập bình quân 5
triệu đồng/người/tháng, trong đó có 7 lao động được đóng bảo hiểm xã hội; có 6
hội viên cựu chiến binh là công đông của Công ty.
Để
duy trì, bảo vệ nguồn gen từ các loại cây thuốc quý, hàng năm, Công ty đã xây
dựng quy trình khai thác bền vững, triển khai đến các thành viên thực hiện
nghiêm túc; tổ chức tập huấn về cách khai thác sản phẩm trong tự nhiên. Đặc
biệt, công ty đã dành một phần kinh phí nhất định mua các loại cây thuốc giống
về phát cho các hộ thành viên khoảng 8.000 cây trồng xen vào rừng tự nhiên, tái
tạo nguồn giống, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt.
Từ
sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của cựu chiến binh Lý Láo Lở đã khơi dậy ý chí
vươn lên thoát khỏi đói nghèo của nhiều hộ trong xã Tả Phìn. Chi sẻ về câu
chuyện và những thành công của bản thân, cựu chiến binh Lở cười: Mình luôn ghi
nhớ và phát huy bản chất của người lính, không chùn bước trước khó khăn”. Hiện,
với vai trò là Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần kinh doanh các sản
phẩm bản địa Sa Pa, cựu chiến binh Lý Láo Lở đang cùng với
ban lãnh đạo công ty xây dựng kế hoạch phát triển mới trong tương lai. Trong đó
đang xây dựng mở rộng khuôn viên công ty lên 7.000 m2 với các hạng
mục như: Khu vực tắm thuốc, tắm trải nghiệm trong tán rừng, hệ thống nhà trên
cây phục vụ nghỉ dưỡng và phối hợp với một số hộ dân trong xã Tả Phìn và xã
Phìn Ngan của huyện Bát Xát phát triển du lịch homestay.
Ngày 24/11/2021
Nguyễn Văn Tân